Lượt xem: 796

Trần Đề khẩn trương ứng phó xâm nhập mặn

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, thời điểm này, ngành chuyên môn và nông dân huyện Trần Đề đang rất khẩn trương ứng phó khi xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện tại các cửa sông đầu nguồn, nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro thiệt hại đến quá trình sản xuất của người dân huyện nhà trong mùa khô năm nay. 

 


Dưa hấu được bà con nông dân canh tác thay thế vụ lúa Đông Xuân muộn 

 

    Không còn là những đồng lúa vụ 3 thấp thỏm trong nỗi lo thiếu nước ngọt như mùa khô của 2, 3 năm về trước. Trong cái nắng oi bức ở thời điểm bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng, không khí canh tác tại nhiều khu vực đất lúa ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề vẫn khá tất bật khi nông dân bắt đầu đưa cây màu xuống chân ruộng. Chuyển đổi cây trồng có chi phí đầu tư thấp, tiết kiệm được nguồn nước tưới và đảm bảo an toàn trong mùa hạn, mặn là giải pháp canh tác hiệu quả đã được nông dân tại xã Tài Văn nói riêng và toàn huyện Trần Đề nói chung áp dụng trong những năm gần đây nhằm ứng phó trước điều kiện khắc nghiệt của biến đối khí hậu. Đồng chí Giang Quốc Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Tài Văn, huyện Trần Đề cho biết: “Diện tích trồng lúa tại xã Tài Văn là 2.887 ha. Nhận thức được hiệu quả trong việc chuyển đổi cây trồng thay thế cây lúa vào mùa khô, nông dân tại xã đã rất ý thức, ngay khi thu hoạch dứt điểm lúa Đông Xuân là bà con bắt đầu làm đất chuẩn bị xuống giống cây mùa. Hiện nay diện tích cây màu toàn xã là 80 ha, trong đó cây màu lương thực canh tác chủ yếu trong mùa khô là 11 ha, chủ yếu là dưa hấu, diện tích này sẽ còn tiếp tục tăng cao”.

    Dưa hấu cũng là đối tượng cây trồng được nhiều nông dân tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề duy trì canh tác liên vụ trong năm nhằm ổn định sinh kế trong điều kiện bất lợi về thổ nhưỡng khi có vị trí nằm giáp biển, dễ bị ảnh hưởng khi xâm nhập mặn tấn công. Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất trong những tháng mùa khô, nông dân nơi đây còn linh động xây dựng các mô hình đào ao trữ nước ngay trên những rẫy dưa. Theo đó, mỗi công đất trồng dưa hấu sẽ được bố trí 02 ao bạt tích trữ nước ngọt với chiều dài là 7 m, chiều ngang 02 m, sức chứa là 10 m3 nước. Khi độ mặn trên sông còn ở ngưỡng cho phép, nước sẽ được đưa trực tiếp vào ao chứa. Kết hợp cùng phương pháp tưới nhỏ giọt, toàn bộ rẫy dưa trong khu vực vẫn đảm bảo phát triển xanh tốt trong mùa hạn, mặn. Anh Nguyễn Vũ Phong – nông dân ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề chia sẻ: “Lúc trước thì đào những cái giếng nhỏ, nhưng khi xâm nhập mặn lấn sâu thì nguồn nước này cũng bị nhiễm mặn theo, không tưới cho dưa được. Còn mình đào ao rồi lót bạt lên như vậy nước không bị nhiễm mặn và cũng không bị bốc hơi. Xung quanh ở đây bà con làm như vậy nhiều lắm, hầu như rẫy dưa nào cũng có từ 1 đến 2 ao chứa như vậy”.

    Bên cạnh sự chủ động của nông dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cũng đã tổ chức kiểm tra, khảo sát các công trình thủy lợi trên địa bàn nhằm xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa. Tiến hành đo đạc thường xuyên và cảnh báo diễn biến xâm nhập mặn. Đồng thời, triển khai vận hành kịp thời, đúng lúc hệ thống cống trên địa bàn huyện, đảm bảo điều tiết tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất cho bà con nông dân. Đồng chí Trần Hoàng Dũng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin: “Huyện Trần Đề xác định 02 giải pháp cơ bản ứng phó xâm nhập mặn là giải pháp công trình và phi công trình. Về giải pháp công trình, chúng tôi phối hợp cùng Chi cục Thủy lợi, Công ty cổ phần thủy lợi tỉnh Sóc Trăng xây dựng phương án sửa chữa các cống bị rò rỉ, tiến hành nạo vét sâu hơn các kênh nội đồng... để đảm bảo lượng nước phục vụ cho sản xuất và cả sinh hoạt. Về giải pháp phi công trình, tiếp tục bố trí lịch thời vụ, khuyến cáo nông dân chuyển đổi sang trồng màu hoặc các mô hình chăn nuôi khác có hiệu quả thay vì canh tác lúa Đông Xuân muộn nhằm đảm bảo thu nhập cho bà con trong lúc nông nhàn”.

    Mặc dù xâm nhập mặn chỉ mới xuất hiện và độ mặn tại các kênh vẫn còn ở ngưỡng cho phép, tuy nhiên, thời tiết kết hợp gió chướng sẽ là điều kiện để độ mặn trong những ngày tới tiếp tục tăng cao và lấn sâu hơn vào nội đồng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề khuyến cáo nông dân tuyệt đối không xuống giống lúa Đông Xuân muộn (hay còn gọi là lúa vụ 3), bởi trà lúa trong hệ thống thủy lợi khép kín Long Phú – Tiếp Nhựt sẽ có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng khi xâm nhập mặn tại các cửa sông tăng cao đột biến, không đảm bảo được lượng nước cung cấp cho cây lúa đến giai đoạn thu hoạch.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 48
  • Hôm nay: 199
  • Trong tuần: 70,626
  • Tất cả: 11,802,633